NĂNG KHIẾU: Cho đến nay, không ít người vẫn quan niệm rằng muốn học được Piano thì cần phải là con nhà nòi hoặc có năng khiếu. Thực tế không phải như vậy, tất nhiên nếu bạn là con nhà nòi hoặc là có năng khiếu thì đó là những yếu tố hữu ích, nhưng điều kiện đủ phải là sự kiên trì rèn luyện. Việc gì cũng vậy, có chí thì nên.
NGHỆ THUẬT: Theo quan điểm của tôi con người nên có nghệ thuật, nghệ thuật đó không nhất thiết cứ phải là đàn Piano, có thể là Guitar, Violon hoặc là Vẽ, Múa v.v… Nghệ thuật giúp con người có thú vui tao nhã, giầu cảm xúc, nhẹ nhõm tâm hồn, bớt đi sự trống rỗng, ưu phiền hoặc nhàm chán trong cuộc sống.
HỌC THẬT: Có lẽ hơn 90% khách hàng gặp tôi đều nói “Tôi chỉ định cho cháu nhà tôi học (Piano) chơi cho nó thư giãn thôi”. Đồng ý là “chơi” nhưng phải chơi nghiêm túc. Có thể ta chưa cần nghĩ xa xôi rằng các cháu mai này có theo chuyên nghiệp hay không, việc đó cứ để tùy duyên nhưng khi đã bắt tay vào học thì không “chơi” được đâu. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng hầu hết những người có quan điểm mua đàn để cho con học “chơi” thì sau một thời gian hoặc là họ bán lại đàn, hoặc là cây đàn đã mốc meo ở một xó nhà. Tóm lại việc học nói chung muốn có kết quả phải có kỷ luật, kiên trì và một chút áp lực.
HÀNG NGÀY: Mặc dù ban đầu tôi cũng chỉ có ý định cho con học “chơi” nhưng chưa bao giờ tôi coi học nghệ thuật là một môn phụ. Có lần tôi hỏi một người quen: “Dạo này cháu học đàn thế nào”, họ trả lời: “À dạo này cháu sắp thi môn X nên bận quá, em cho cháu nghỉ học đàn đến hè học lại”, thì cùng lắm đến hè năm sau là không thấy cháu còn học đàn nữa. Tôi tin tưởng một đứa trẻ được học đàn từ nhỏ cho đến khi trưởng thành thì giá trị từ việc học đàn ít nhất là không thua kém gì giá trị của việc cháu đã học hết lớp 12. Mỗi ngày nếu không phải học chuyên nghiệp thì các cháu chỉ cần dành ra 30 đến 45 phút là đủ, không quá vất vả để có được một thành quả. Tuy vậy để thực hiện được điều này hàng ngày trong một thời gian dài thì dứt khoát phải có sự giám sát từ Phụ huynh. Khi được khuyên như vậy, nhiều người hỏi tôi rằng “em có biết gì về đàn đâu mà giám sát được cháu?”, bạn không cần biết gì về đàn, với các cháu nhỏ trong giai đoạn đầu, thứ chúng ta cần giám sát chủ yếu thuộc về ý thức và thái độ chứ không phải là chuyên môn, cốt hình thành nền nếp cho các cháu.
GIÁO VIÊN: Tôi biết một số người dạy Piano nhưng không được đào tạo chính quy mà trưởng thành từ sở thích hoặc từ các bộ môn khác, tôi khuyên các bạn hãy chọn giáo viên được đào tạo chính quy đúng chuyên ngành, đây là việc quan trọng.
Trả lời