Nhiều người mang tâm lý đàn phải nguyên bản mới là tốt, đây là quan niệm hết sức sai lầm. Căn chỉnh là việc cần làm với đàn Piano cơ hàng năm, thậm chí vài lần mỗi năm đối với đàn mới tinh. Là vì các chi tiết trong đàn Piano cơ được làm chủ yếu từ gỗ và dạ, là những vật liệu co dãn bởi độ ẩm không khí, gặp không khí ẩm thì nó dãn nở ra, khô thì nó co ngót lại. Nếu không chỉnh thì máy móc và các tiếp xúc sẽ sai lệch dẫn đến việc khó hoặc mất kiểm soát trên ngón tay của người chơi, tần số âm thanh sai lệch dẫn đến tai nghe của người chơi sai lệch.
Vì vậy một cây đàn đã qua sử dụng hoặc đã lâu không sử dụng mà để nguyên bản không căn chỉnh gì là một việc tai hại. Nó gần như bắt buộc phải qua một chỉnh sửa toàn diện (recondition) với 5 việc trọng yếu sau:
- Kiểm tra tình trạng đàn, thay thế các bộ phận, linh phụ kiện chai mòn, yếu kém.
- Căn chỉnh máy / Regulation.
- Chỉnh âm sắc / Voicing.
- Chỉnh dây đàn / Tuning.
- Vệ sinh toàn bộ trong ngoài đàn.
Phần lớn các cửa hàng đàn ở Việt Nam cho đến nay chỉ thực hiện Vệ sinh và Chỉnh dây đàn nhằm giảm chi phí để cạnh tranh giá bán. Trong khi ba phần việc đầu lại đóng vai trò hết sức quan trọng. Dưới đây là mô tả tóm tắt về nội dung của 5 phần việc trên:
- Các bộ phận trong đàn hay phải thay:
- Dây đàn hồi: Dây cord, chuôi dây cương (Bridle Strap Tips): các bộ phận này nếu đứt mà không được thay sẽ làm chậm tốc độ đáp ứng của phím đàn.
- Dạ chặn âm, giảm âm: Các bộ phận này nếu đã chai cũ mà không được thay có thể có thể gây méo âm thanh và lẫn nhiều tạp âm.
- Căn chỉnh máy: nhiều bộ phận trong máy đàn như là cán búa, lõi phím, flange đều bằng gỗ, việc thay đổi độ ẩm trong không khí khiến các chi tiết gỗ này nở ra, co lại khiến chúng biến dạng, tuy biến dạng là rất nhỏ nhưng nó làm các vị trí tiếp xúc trở nên sai lệch, ảnh hưởng tới việc điều khiển phím đàn, hoạt động của máy, chất lượng âm thanh… Vì vậy máy móc cần được căn chỉnh theo định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm một lần. Nếu không ta có thể tưởng tượng tới việc điều khiển một chiếc xe máy mà lốp bị non, vành bị đảo và máy thì giật cục.
- Chỉnh âm sắc: Búa đàn làm bằng nỉ (hoặc lông cừu ép), nhiệm vụ của nó là gõ vào dây đàn để tạo ra âm thanh. Vì thế sau một thời gian đầu búa sẽ dần dần bị dồn cứng lại, ngoài ra việc tiếp xúc quá lâu với dây đàn tạo ra những rãnh sâu trên đầu búa. Lúc này âm thanh sẽ trở nên cụt và bí. Công tác xử lý bao gồm làm nhẵn và mềm các đầu búa gọi là kỹ thuật Chỉnh âm sắc (voicing). Việc này nhằm tối ưu âm sắc, đảm bảo âm thanh hay, dầy và đều trên toàn dải.
- Chỉnh dây đàn / tuning: Dây đàn được căng trên bảng âm (soundboard) làm bằng gỗ Vân Sam quý. Vì là bằng gỗ nên nó đương nhiên chịu ảnh hưởng bởi độ ẩm không khí và nó co dãn tùy theo độ ẩm. Việc co dãn này kéo theo sự co dãn của dây đàn, đây là tác nhân chính gây ra sai lệch cho dây đàn, người chơi đàn là tác nhân phụ. Vì vậy, đàn cho dù có sử dụng hay không thì dây đàn vẫn sai và nó cần được chỉnh dây (tuning) theo định kỳ 6 tháng tới 1 năm một lần. Việc này nhằm đảm bảo cao độ của âm thanh đạt chuẩn, nếu không nó sẽ giống như một ca sĩ hát sai nhạc vậy, ảnh hưởng xấu tới chuẩn âm của người chơi đàn.
- Vệ sinh toàn bộ trong ngoài:
- Bên ngoài: làm sáng bóng các bộ phận kim loại, sơn sửa lại các chỗ bị xước sát, đánh bóng phần vỏ. Điều này không những làm đẹp cho đàn mà còn giúp bảo quản đàn.
- Bên trong: Hút bụi, vệ sinh toàn bộ, làm sạch và tra dầu các khớp máy, phủ dầu chống gỉ cho dây. Việc này hỗ trợ máy hoạt động trơn tru, loại trừ các côn trùng có thể đã xâm nhập và làm tổ từ trước như con nhậy, con gián, con chuột v.v…
Trả lời